













Thời tiết
1073
Lượt truy cập
QLNN đối với cụm công nghiệp là sự cần thiết khách quan trong quá trình CNH-HĐH, là chức năng đặc thù của cơ quan hành chính nhà nước; sự hình thành và phát triển các cụm công nghiệp có mối quan hệ trực tiếp tới sự phát triển KT-XH của địa phương. Đồng thời, nó cũng chịu sự tác động, sự chi phối của nhiều yếu tố khác như luật pháp, kinh tế, văn hóa, xã hội…. Do đó, để tiếp tục phát triển có hiệu quả các CCN trong thời gian đến, cần tập trung trên một số định hướng cơ bản sau:
Một là, đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch cụm công nghiệp, vừa đảm bảo nâng cao vai trò QLNN vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh. Quy hoạch mang tính định hướng nhưng phải có cơ sở dự báo phù hợp với tình hình KT-XH địa phương, đảm bảo triển khai có hiệu quả. Tạo điều kiện và khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư phát triển, đồng thời đảm bảo sự kiểm soát thống nhất của cơ quan QLNN.
Hai là,hoàn thiện chính sách phát triển cụm công nghiệp của tỉnh: Về mặt pháp lý phải tạo được sự bình đẳng giữa các chủ thể trong cụm công nghiệp. Hệ thống quan điểm, chính sách phải tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư được cạnh tranh lành mạnh đúng pháp luật, tuyệt đối không phân biệt nhà đầu tư, doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, tất cả được đối xử bình đẳng trước pháp luật, được tiếp cận, hưởng chính sách ưu đãi như nhau của nhà nước nhằm phát huy và tận dụng mọi nguồn lực cho phát triển cụm công nghiệp.
Ba là, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư: Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo hướng sâu rộng hơn; đơn giản hóa thủ tục hành chính, loại bỏ những thủ tục gây phiền hà, không cần thiết cho doanh nghiệp. Tập trung ưu tiên thu hút các ngành nghề, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Thực hiện xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung ưu tiên một số đối tác lớn, quan trọng và những ngành nghề, lĩnh vực lợi thế phù hợp với nguồn nguyên liệu địa phương.
Bốn là, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, kiểm soát chặt chẽ môi trường: Nâng cao chất lượng xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp theo hướng xây dựng một cách đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật với hệ thống tiện nghi, tiện ích công cộng phục vụ. Huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp, các công trình tiện nghi, tiện ích cho cụm công nghiệp; điều chỉnh, bổ sung cơ chế khuyến khích, hỗ trợ và phát huy tính chủ động trong việc huy động vốn đầu tư toàn xã hội phục vụ cho phát triển kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về môi trường trong các cụm công nghiệp gắn với việc xử lý vi phạm một cách kiên quyết, dứt điểm; đồng thời xem xét điều chỉnh các chế tài để đảm bảo tính răn đe đối với hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.
Năm là, kiện toàn bộ máy QLNN chuyên trách ở địa phương, thành lập sớm các Trung tâm phát triển CCN đối với địa phương gắn với đảm bảo đủ thẩm quyền và nguồn lực để quản lý các cụm công nghiệp theo hướng một cửa, một đầu mối và tương xứng với vai trò vị trí ngày càng quan trọng của các cụm công nghiệp trong quá trình CNH- HĐH.
Sáu là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngủ cán bộ công chức QLNN đối với cụm công nghiệp theo định hướng có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, thông thạo ngoại ngữ, có ý thức, tư tưởng đạo đức trong sáng, đặc biệt là có “ tâm“ với nghề nghiệp, có như vậy mới đáp ứng được tiến trình đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế và có đủ năng lực quản lý đối với những ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao.
Lượt truy cập