













Thời tiết
45579
Lượt truy cập
Với diện tích gieo trồng các loại cây ngắn ngày gần 40.000 ha và 100.000 ha cây lâu năm ( cà phê, cao su…), nhu cầu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hàng năm trên địa bàn tỉnh khá cao. Ước tính sơ bộ lượng phân bán vô cơ và các loại phân bón khác trên 200.000 tấn, giá trị ước tính khoảng VÀI NGÀN tỷ đồng chưa kể thuốc bảo vệ thực vật và giống cây trồng các loại…
Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã có nhiều cố gắng để quản lý và kiểm tra kiểm soát việc kinh doanh, chất lượng các loại vật tư lưu thông trên thị trường nhằm tránh gây thiệt hại cho người dân.Tuy nhiên, với khá nhiều chủng loại do hàng trăm cơ sở sản xuất ( trong nước, nhập khẩu), cũng như trên 100 cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ có tham gia kinh doanh nằm rải rác trên địa bàn tỉnh làm cho công tác kiểm tra, kiểm soát cũng gặp nhiều khó khăn.
Xác định đây là mặt hàng chiến lược quan trọng cần phải quản lý và kiểm tra kiểm soát chặt chẽ, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Kế hoạch số 379/KH-UBND ngày 29/2/2016 của về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu trái phép phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thuốc chăn nuôi, thức ăn thủy sản giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc và chất cấm dùng trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm; đồng thời Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 56 /QĐ-BCĐ389 ngày 19/4/2016 của về việc thành lập Đoàn liên ngành ( gồm các ngành Sở Công Thương, Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế, Sở Khoa và Công nghệ, Chi cục Quản lý thị trường, Đài Phát thanh Truyền hình, UBND các huyện, Thành phố ) kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng trên, nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong nước phát triển, chống ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng. Cũng như phát hiện những thiếu sót, chồng chéo, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước để làm căn cứ kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về các lĩnh vực trên. Ngoài ra UBND thành phố, các huyện cũng đã thành lập các Đoàn liên ngành thường xuyên kiểm tra các hoạt động sản xuất kinh doanh theo kế hoạch chỉ đạo của UBND tỉnh.
Công tác kiểm tra tập trung vào các nội dung chủ yếu như:
- Kiểm tra điều kiện kinh doanh và việc duy trì điều kiện sản xuất, kinh doanh theo quy định đối với các mặt hàng: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sảntheo quy định của pháp luật.
- Kiểm tra việc thực hiện các quy định về nhãn hàng hóa; niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, dấu hợp quy; hóa đơn, chứng từ hàng hóa nguồn gốc xuất xứ,….
- Lấy mẫu kiểm nghiệm, đo lường, đánh giá chất lượng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, xác định hàng giả, hàng kém chất lượng.
Đoàn kiểm tra liên ngành của Tỉnh đã tiến hành kiểm tra tại 38 cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính các cơ sở kinh doanh với các lỗi sai phạm chủ yếu: ghi nhãn không đúng qui định, các điều kiện kinh doanh không đảm bảo ( để mặt hàng phân bón, thuốc trừ sâu cùng khu vực với hàng hóa là thực phẩm, thức ăn chăn nuôi) và lấy mẫu một số loại phân bón gởi đi kiểm định chất lượng để làm căn cứ xử lý nếu có vi phạm về chất lượng hàng hóa.
Ngoài ra UBND Thành phố Kontum đã chủ động thành lập Đoàn liên ngành Thành phố Kontum kiểm tra tại 31 cơ sở trên địa bàn thành phố,lập biên bản vi phạm hành chính, tham mưu UBND thành phố Kon Tum xử lý vi phạm hành chính: 14 cơ sở, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính: 31.000.000 đồng (bằng chữ: ba mươi mốt triệu đồng chẵn), cụ thể:
-Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật: 10 vụ = 20.000.000 đồng.
- Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi: 4 vụ = 11.000.000 đồng.
Trong đó, có 03 cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng, với tổng khối lượng (quy đổi) bằng 9, 68 kilogam (kg); Đoàn liên ngành đã tham mưu UBND thành phố buộc 03 cơ sở vi phạm thu hồi thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng trả lại nhà sản xuất để tiêu hủy hoặc tái chế thuốc còn có khả năng tái chế đối với các thuốc hết hạn sử dụng theo đúng quy định hiện hành.
Trong quá trình kiểm tra, các Đoàn liên ngành đã tiến hành phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn hiểu rõ về các quy định của pháp luật liên quan đến việc sản xuất kinh doanh các mặt hàng trên và cam kết không kinh doanh trái quy định pháp luật. Về lâu dài cần phải qui hoạch đưa các cửa hàng kinh doanh, kho chứa phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cách xa khu dân cư .
(Huỳnh thơ-Tổng hợp)
Lượt truy cập