HỘI NGHỊ GIAO BAN NGÀNH CÔNG THƯƠNG TỈNH KONTUM TỔNG KẾT NHIỆM VỤ NĂM 2018; TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2019
Chiều ngày 10/01/2019, Sở Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban ngành Công Thương nhằm tổng kết, đánh giá những kết quả đã đạt được trong năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019. Tham dự Hội nghị gồm các đ/c Lãnh đạo Sở Công Thương; trưởng, phó phòng chuyên môn của Sở; Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc và đại diện Phòng Kinh tế hạ tầng các huyện, thành phố. Tại cuộc họp giao ban ngành, đ/c Lê Như Nhất – Giám đốc Sở Công Thương thay mặt toàn ngành đã nêu bật những thành tựu đạt được, những tồn tại và khó khăn của ngành trong năm 2018 và đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành để phấn đấu trong năm 2019
1. Kết quả đạt được:
Trong năm 2018, ngành Công Thương đã tập trung đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước và triển khai thực hiện kịp thời các văn bản chỉ đạo của Tỉnh, Bộ, Ngành Trung ương, tăng cường công tác tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp của tỉnh, đôn đốc các dự án đầu tư đẩy nhanh tiến độ sớm đưa vào hoạt động để phát huy năng lực mới trong sản xuất công nghiệp, từng bước hoàn thiện thị trường bán lẻ, hình thành mạng lưới phân phối theo hướng văn minh hiện đại; hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu 2018. Chỉ số phát triển công nghiệp (IIP): Tăng 14,39% so với cùng kỳ; Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt 5.850 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ và đạt 101% so với KH. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong năm 2018 đạt 17.002,67 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ và đạt 100% so với KH. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2018 đạt 208 triệu USD, tăng 54,07% so với thực hiện cùng kỳ và đạt 214,43% so với kế hoạch. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2018 đạt 3,850 triệu USD tăng 22% so với thực hiện cùng kỳ và đạt 38,5% so kế hoạch.
Tổng thu hút đầu tư vào ngành trong năm 2018 đạt 2.022,805 triệu đồng, trong đó:Đầu tư hoạt động khai thác chế biến khoáng sản chủ yếu là: Khai thác chế biến quặng vàng, sản xuất gạch ngói, đá xây dựng, cát, sỏi... với tổng kinh phí đầu tư năm 2018 ước đạt 97,4 tỷ đồng. Đầu tư phát triển điện và thủy điện: Thu hút đầu tư trong năm 2018 khoảng 1.800 tỷ đồng. Đầu tư chế biến nông lâm sản: Trong năm 2018, thu hút đầu tư vào ngành đạt 115 tỷ đồng. Đầu tư từ nguồn vốn ngân sách của TW và địa phương: Thu hút đầu tư trong năm 2018: 10,405 tỷ đồng.
2. Tồn tại, khó khăn:
- Thu hút đầu tư vào ngành, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực tinh chế chưa có chuyển biến tích cực. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn thấp, nhất là đối với các doanh nghiệp xuất khẩu; các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị để chế biến sâu các sản phẩm nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm, thị trường tiêu thụ vẫn còn hạn chế.
- Hệ thống phân phối hàng hóa, hạ tầng thương mại, đặc biệt như chợ nông thôn còn yếu, quy mô còn nhỏ, chưa được đầu tư mở rộng, nâng cấp, kiện toàn để đáp ứng theo nhu cầu mua sắm của nhân dân.
3. Mục tiêu năm 2019: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng của ngành trong năm 2019: Chỉ số phát triển công nghiệp toàn ngành tăng 16,5%; Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 8,9%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 15%.
4. Nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2019:
- Thường xuyên nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất điện; chế biến nông, lâm sản; khai thác khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nhiều giá trị tăng thêm cho ngành công nghiệp, qua đó góp phần nâng cao tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
- Tăng cường công tác kết nối cung cầu hàng hóa với các Sở Công Thương đã ký kết hợp tác thương mại, các doanh nghiệp trên các vùng, miền; giới thiệu, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại các vùng, miền mà sản phẩm Kon Tum có lợi thế cạnh tranh, trước mắt là tiếp tục thực hiện Chương trình kết nối cung cầu đã ký kết với Sở Công Thương TPHCM và các tỉnh thành phố. Tăng cường kết nối, hợp tác công thương với Sở Công nghiệp và Thương mại tỉnh Attapue (Lào).
- Thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường, khai thác tốt những thị trường hiện có và thị trường tiềm năng để gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Thường xuyên tổ chức đối thoại doanh nghiệp thuộc ngành; kết nối doanh nghiệp tỉnh Kon Tum với Doanh nghiệp tỉnh Attapue về nhập khẩu hàng nông sản; trao đổi hàng hóa giữa hai bên.
- Ưu tiên nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ trực tiếp cho các đề án do cơ sở công nghiệp nông thôn thực hiện tại các địa bàn xây dựng nông thôn mới, địa bàn đặc biệt khó khăn, các đề án ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, mô hình áp dụng sản xuất sạch hơn. Chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn về quy trình, thủ tục xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm, hướng hoạt động sản xuất công nghiệp theo các giá trị công nghiệp xanh, sạch và bền vững.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, cụ thể là: Tăng cường hiệu quả công tác tổ chức hội chợ, phiên chợ trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp có sản phẩm đặc thù địa phương.
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính không còn phù hợp để đề xuất sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực công thương. Triển khai có hiệu quả các dịch vụ công mức độ 3. Tích cực triển khai, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, cũng như các bộ phận khác có liên quan.
Lệ Hoa-PKT














Thời tiết
Lượt truy cập