Định hướng về mặt hàng, thị trường xuất khẩu trong thời gian đến.
Triển khai công tác đối thoại doanh nghiệp về sản xuất công nghiệp trong năm 2019, Sở Công Thương đưa ra nhận định và định hướng một số sản phẩm và thì trường trong thời gian tới như sau:
1. Mặt hàng cao su và các sản phẩm từ cao su:
Nâng cấp các nhà máy chế biến hiện có trên cơ sở đầu tư, thay thế dần thiết bị cũ, lạc hậu bằng việc ưu tiên lựa chọn các công nghệ chế biến cao su tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, ít tiêu hao nhiên liệu, tận dụng tối đa nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất nhằm tạo ra nhiều loại sản phẩm (mủ cốm, mủ kem, mủ cao su kỹ thuật) với cơ cấu hợp lý, có chất lượng ổn định, phù hợp với nhu cầu thị trường, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến cao su thay đổi cơ cấu sản phẩm, hướng tới các sản phẩm cao su thế giới đang có nhu cầu lớn như cao su khối hạng 20, cao su tờ xông khói RSS3; Tăng kinh phí xúc tiến thương mại để thực hiện hoạt động giới thiệu, kết nối giao thương tại các thị trường mới, tiềm năng.
Ngoài thị trường truyền thống là Trung Quốc, trong giai đoạn tới cần đẩy mạnh xuất khẩu sang Ấn Độ, Malaysia, Hàn Quốc, Hoa Kỳ.
Khó khăn, vướng mắc đặc thù đang tồn tại: (i) chất lượng cao su xuất khẩu chưa đồng đều, chưa đảm bảo và chưa phù hợp với yêu cầu của thị trường; (ii) chính sách thuế giá trị gia tăng chưa được áp dụng đối với mủ cao su sơ chế (5%) như các nông sản sơ chế khác (0%) gây vướng mắc trong kinh doanh xuất khẩu cao su.
2. Mặt hàng cà phê:
Tập trung đầu tư thâm canh, tăng năng suất diện tích cà phê hiện có, đặc biệt là diện tích cà phê tại huyện Đăk Hà; đồng thời hỗ trợ nhân dân cải tạo, thay thế các vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp bằng giống cà phê mới cho năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống sâu bệnh; hỗ trợ phát triển cà phê chè thông qua Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh trên địa bàn huyện Đăk Glei, Tu mơ rông và Konplong. Đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê với trang thiết bị hiện đại, nâng cấp các nhà máy hiện có bằng nguồn vốn tự có của doanh nghiệp hoặc huy động vốn từ các tổ chức tín dụng,... Xây dựng chiến lược phát triển thị trường, chú trọng các thị trường tiềm năng, có khả năng tiêu thụ với khối lượng lớn; tăng tỷ lệ xuất khẩu cà phê nhân sang các thị trường cao cấp như: Hoa Kỳ, EU (Anh, Pháp, Đức, Italia,…), đồng thời cần chú trọng và khai thác tốt thị trường trong nước[1].
Khó khăn, vướng mắc đặc thù đang tồn tại: (i) xuất khẩu thô chiếm tỷ trọng cao nên giá trị gia tăng thấp; (ii) chương trình tái canh gặp nhiều khó khăn do doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn vay và lãi suất ngân hàng cho vay vẫn còn ở mức cao; (iii) công tác quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được thực hiện chặt chẽ, chuỗi cung ứng còn qua nhiều khâu trung gian nên khó kiểm soát chất lượng...
3. Chế biến sắn và tinh bột sắn:
Ổn định diện tích trồng sắn đi đôi với tăng cường sử dụng giống mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất. Tăng cường chế biến sâu các sản phẩm từ sắn, tiến tới loại bỏ xuất khẩu sắn lát khô để tăng giá trị sản phẩm. Phát huy công suất các nhà máy tinh bột sắn hiện có: huy động tối đa nguồn nguyên liệu của tỉnh và thu mua từ bên ngoài để chế biến sâu các sản phẩm từ sắn, chuyển dần việc chế biến tinh bột sắn sang chế biến các sản phẩm khác như nhiên liệu sinh học, cồn,..Khuyến khích hợp tác đầu tư phát triển, mở rộng vùng nguyên liệu tại các tỉnh giáp biên của Lào và Campuchia nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn và các cơ sở chế biến cồn sinh học, xăng sinh học, thực phẩm trên địa bàn.
Ngoài việc giữ vững thị trường truyền thống là Trung Quốc[2], trong giai đoạn tới chú trọng hướng tới các thị trường có nhu cầu nhập khẩu sắn lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Thái Lan, một số nước Châu Phi là nước xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn trên thế giới, chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc vì chất lượng, mẫu mã đáp ứng nhu cầu của thị trường Trung Quốc.
Khó khăn, vướng mắc đặc thù đang tồn tại: (i) việc quy hoạch chưa được hiệu quả ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu; (ii) song song với nhu cầu thị trường sụt giảm mạnh thì phải thường xuyên gặp các rào cản kỹ thuật tại thị trường xuất khẩu chủ lực như Trung Quốc, Hàn Quốc[3]...
4 - Gỗ và các sản phẩm từ gỗ:
Các nước có nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm từ gỗ lớn của Việt Nam là Hoa Kỳ (năm 2016 xuất sang thị trường Hoa Kỳ khoảng hơn 2,5 tỷ USD) và EU (xuất sang thị trường EU hơn 640 triệu USD).
Ngoài thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, EU là thị trường nhập khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ, EU là thị trường khó tính với nhiều quy định khắt khe về hàng hóa nhập khẩu. Muốn mở rộng xuất khẩu sang thị trường này doanh nghiệp cần nhiều thông tin về thị trường EU, thủ tục hải quan EU nói riêng. Trong bối cảnh hiện nay, khi mà tốc độ tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường chính là Hoa Kỳ đang chậm lại thì mở rộng sang các nước EU nhằm nâng cao triển vọng cho ngành hàng xuất gỗ của Việt Nam.
Khó khăn lớn nhất đối với việc xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ là nguồn nguyên liệu. Các rào cản TBT, SPS và yêu cầu của khách hàng: Khách hàng có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm. Các yêu cầu bắt buộc về vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường..của EU rất khắt khe và không dễ đáp ứng. Vì vậy, dù được hưởng lợi về thuế quan khi ký kết hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU thì hàng hóa của Việt Nam cũng phải hoàn thiện rất nhiều về chất lượng để có thể vượt qua được các rào cản này.
[1] Thị trường có nhu cầu nhập khẩu cà phê lớn của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ, Asean, Nhật Bản. (dự báo nhu cầu nhập khẩu trong năm tới gần 2 triệu tấn). Thái Lan, Ecuador là 02 nước xuất khẩu cà phê lớn sang các thị trường này, tuy nhiên 02 thị trường này đang có dấu hiệu sụt giảm nguồn cung nên dự báo trong những năm tới mặt hàng cà phê của Việt Nam được quan tâm, chú trọng hơn[1].
[2] Xu hướng thị trường: Năm 2016 Các thị trường xuất khẩu chính như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc đều sụt giảm, cả về lượng và về giá như Trung Quốc giảm 28,4%, Đài Loan giảm 22,8%, Nhật Bản giảm 19,2%; riêng Hàn Quốc tăng 13,3%. Hiện nay, Trung Quốc đang đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất Ethanol có công suất lớn ngay tại Bằng Tường (sát biên giới Việt Nam tại tỉnh Lạng Sơn), điều này hy vọng nhu cầu sử dụng sắn lát, sắn củ của Trung Quốc gia tăng, kéo theo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng cả về lượng và về giá trong các tháng cuối năm nếu như tháo gỡ được rào cản kỹ thuật còn vướng mắc tại thị trường này.
[3] Nguyên nhân sụt giảm là do hiện nay doanh nghiệp xuất khẩu bã sắn sấy của Việt Nam chưa được phía Trung Quốc công nhận được phép xuất khẩu; các mặt hàng tinh bột sắn, sắn lát đang bị cạnh tranh mạnh với các nước đối thủ có nguồn cung tương tự như Thái Lan, châu Phi. Hàn Quốc: (i) Về việc áp dụng mức tồn dư cho phép (MRLs)[3],(ii) Về việc áp dụng hạn ngạch nhập khẩu với sắn lát, tinh bột sắn của Việt Nam
(Khánh Trình-TT)














Thời tiết
Lượt truy cập