













Thời tiết
22471
Lượt truy cập
Giá hạt điều thế giới vẫn ở mức thấp. Giá xuất khẩu bình quân hạt điều trong tháng 4/2019 đạt mức thấp nhất kể từ tháng 2/2016.
1. Thị trường hạt điều:
a)Thị trường hạt điều thế giới:
Tháng 5 là thời điểm thu hoạch rộ hạt điều của nhiều nước như: Ấn Độ, Việt Nam, Bờ Biển Ngà, Ghi-nê, Ni-giê-ri-a, Xê-nê-gan, Gha-na. Giá hạt điều trên thị trường thế giới tháng 5/2019 nhìn chung vẫn ở mức thấp.
Dự báo phải sang quý III/2019, giá hạt điều toàn cầu mới có khả năng phục hồi bởi nguồn cung giảm. Quý III thường là thời điểm nguồn cung hạt điều ở mức thấp nhất trong năm, trong khi nhu cầu hạt điều tăng mạnh vào thời điểm cuối năm.
Tại Ấn Độ: Giá hạt điều xuất khẩu tại cảng Delhi Ấn Độ trong những ngày đầu tháng 5/2019 biến động không đồng nhất. Cụ thể, ngày 9/5/2019 giá xuất khẩu chủng loại hạt điều WW180, WW210 và WW240 tăng lần lượt 2,4%, 1,9% và 3,0% so với cuối tháng 4/2019, lên mức 1.055 Rs/kg (tương đương 15,11 USD/kg), 945 Rs/kg (tương đương 13,53 USD/kg), 785 Rs/kg (tương đương 11,24 USD/kg). Trong khi đó, giá xuất khẩu hạt điều loại WW320 ổn định ở mức 695 Rs/kg (tương đương 9,95 USD/kg). Ngược lại, giá xuất khẩu hạt điều nhân vỡ 2 mảnh giảm 8,9%, xuống còn 612,5 Rs/kg (tương đương 8,77 USD/kg). Theo Hội đồng xúc tiến xuất khẩu hạt điều Ấn Độ, mục tiêu xuất khẩu hạt điều của Ấn Độ trong niên vụ 2019/20 ở mức 85.000 – 90.000 tấn, tăng so với 60.000 tấn niên vụ 2017/18.
b) Giá xuất khẩu bình quân hạt điều trong tháng 4/2019 đạt mức thấp nhất kể từ tháng 2/2016:
Tháng 4/2019, giá xuất khẩu bình quân hạt điều đạt mức 7.601 USD/tấn – mức thấp nhất kể từ tháng 2/2016, giảm 2,9% so với tháng 3/2019 và giảm 21,2% so với tháng 4/2018. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2019, giá xuất khẩu bình quân hạt điều đạt mức 7.910 USD/tấn, giảm 21% so với 4 tháng đầu năm 2018.
Tháng 4/2019, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hạt điều lớn nhất của Việt Nam với lượng đạt 11,6 nghìn tấn, trị giá 88,52 triệu USD, giảm 11,2% về lượng và giảm 30,6% về trị giá so với tháng 4/2018. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt gần 37 nghìn tấn, trị giá 294,62 triệu USD, giảm 3,9% về lượng và giảm 24% về trị giá so với 4 tháng đầu năm 2019. So với tháng 4/2018, xuất khẩu hạt điều sang Trung Quốc tăng 92,6% về lượng và tăng 54% về trị giá, đạt trên 4 nghìn tấn, trị giá 31,4 triệu USD. Bên cạnh đó, xuất khẩu hạt điều sang một số thị trường tăng mạnh, gồm Đức tăng 114,5% về lượng và tăng 65,7% về trị giá; Thái Lan tăng 54,7% về lượng và tăng 17,4% về trị giá; Ý tăng 55,4% về lượng và tăng 21,6% về trị giá. Tính chung 4 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hạt điều sang các thị trường tăng trưởng mạnh, như Đức, Thái Lan, Úc, Nga.
2. Thị trường thủy sản:
Tháng 4/2019, xuất khẩu thủy sản sang hầu hết các thị trường giảm so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước. EU là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất trong tháng 4/2019, đạt 107,5 triệu USD, tương đương tháng 3/2019, nhưng giảm 9,6% so với tháng 4/2018. Tính chung 4 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu thủy sản sang EU đạt 375,8 triệu USD, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm 2018. Mặc dù tháng 4/2019, xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản giảm khá mạnh so với tháng 3/2019 và tháng 4/2018, nhưng tính chung 4 tháng năm 2019, xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản đạt 411,2 triệu USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2018.
4 tháng đầu năm 2019, trong khi xuất khẩu thủy sản sang các thị trường lớn như EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ giảm hoặc chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, thì xuất khẩu sang Nhật Bản, Ca-na-đa và Nga lại tăng trưởng khả quan.
Quý I/2019, Việt Nam là thị trường cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản, đạt 10,6 nghìn tấn, trị giá 114,5 triệu USD, tăng 5,3% về lượng, nhưng giảm 2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Thị phần tôm Việt Nam tính theo lượng trong tổng nhập khẩu của Nhật Bản tăng từ 23,1% trong quý I/2018, lên 24,2% trong quý I/2019. Bên cạnh tăng nhập khẩu tôm từ Việt Nam, Nhật Bản cũng tăng nhập khẩu tôm từ Thái Lan, Ấn Độ và Ắc-hen-ti-na, trong khi giảm mạnh nhập khẩu tôm từ In-đô-nê-xi-a và Trung Quốc.
Xem chi tiết Bản tin tại đây
Khánh Trình-QLTM
Lượt truy cập