













Thời tiết
8638
Lượt truy cập
Tháng 4/2019, giá cà phê Robusta và Arabica giao kỳ hạn trên thị trường thế giới giảm; giá lợn nạc giao kỳ hạn tháng 5/2019 tại Chicago, Hoa Kỳ tăng, giá lợn hơi có xu hướng tăng trở lại.
Thị trường cà phê:
Giá cà phê toàn cầu tháng 4/2019 giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm gần đây do nguồn cung dồi dào, nhu cầu thấp.
Tháng 4/2019, giá cà phê Robusta nhân xô tại thị trường trong nước giảm so với tháng 3/2019. Chốt phiên giao dịch ngày 27/4/2019, giá cà phê Robusta nhân xô giảm từ 1,3 – 2,7% so với ngày 30/3/2019, xuống mức thấp nhất là 30.900 đ/kg tại các huyện Di Linh và Lâm Hà tỉnh Lâm Đồng; mức cao nhất là 31.700 đ/kg tại huyện Cư M’gar tỉnh Đắk Lắk.
Thị trường hạt tiêu:
Thị trường hạt tiêu toàn cầu vẫn chịu áp lực giảm giá do cung vượt cầu. Tại tỉnh Bình Phước, hiện có khoảng 20.000 tấn hạt tiêu vừa thu hoạch trong niên vụ mới 2019 chưa có đầu ra. Dự báo thời gian tới, giá hạt tiêu toàn cầu chưa thể phục hồi trở lại, song tốc độ giảm sẽ chậm lại.
Tháng 4/2019, giá hạt tiêu đen trong nước giữ ổn định hoặc giảm (tùy địa phương). Chốt phiên giao dịch ngày 27/4/2019, giá hạt tiêu đen tại huyện Chư Sê tỉnh Gia Lai và tỉnh Đồng Nai giảm 2,3% so với ngày 30/3/2019, xuống mức 43.000 đồng/kg, trong khi đó tại các khu vực khảo sát khác, giá hạt tiêu đen giữ ổn định ở mức 45.000 – 46.000 đồng/kg.
Thị trường thịt
Trong tháng 4/2019, giá lợn hơi có xu hướng tăng trở lại. Nguyên nhân chủ yếu là sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi (ASF) thời gian qua khiến người chăn nuôi bán tháo trước đó để tránh nhiễm virus nhưng sau đó không dám tái đàn và nhu cầu từ phía người tiêu dùng đã tăng trở lại. So với cuối tháng 3/2019, giá lợn tại nhiều tỉnh, thành tăng từ 4.000 - 6.000 đồng/kg lên phổ biến trong khoảng 39.000 - 49.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại miền Trung, Tây Nguyên phổ biến từ 35.000 - 44.000 đ/kg, tăng 1.000 – 6.000 đ/kg. Giá lợn hơi thương lái thu mua tại các khu vực chăn nuôi trọng điểm phía Nam hiện trung bình từ 40.000 - 48.000 đ/kg, tăng 3.000 – 5.000 đ/kg so với cuối tháng 3/2019.
Thị trường thủy sản:
Theo ước tính, tháng 4/2019 xuất khẩu thủy sản đạt 145,6 nghìn tấn, trị giá 620 triệu USD, giảm 6,55% về lượng và giảm 9,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu thủy sản đạt 569,2 nghìn tấn, trị giá 2,42 tỷ USD, giảm 2,7% về lượng và giảm 1,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản tháng 3/2019 đạt 160,61 nghìn tấn, trị giá 683,6 triệu USD, giảm 2,4% về lượng và giảm 2,1% về trị giá so với tháng 3/2018. Tính chung quý I/2019, xuất khẩu thủy sản đạt 423,7 nghìn tấn, trị giá 1,8 tỷ USD, giảm 1,4% về lượng, nhưng tăng 1,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, xuất khẩu tôm và cá tra giảm, xuất khẩu cá ngừ chững lại, xuất khẩu chả cá tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm 2018.
Trong 3 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu tôm tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, giảm 11% về lượng và giảm 16,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018, đạt 67,7 nghìn tấn với trị giá 611,3 triệu USD. Trong thời gian tới, xuất khẩu tôm sẽ tiếp tục chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ.
Cơ quan Thủy sản Thái Lan đã triển khai một chiến dịch nhằm loại trừ các dịch bệnh trên tôm. Dự án này bao gồm kiểm tra con giống tại những trại nuôi và làm sạch quy trình nuôi. Mỗi ao tôm sẽ được khảo sát cụ thể về an toàn sinh học. Giữa bối cảnh ngành nuôi tôm Thái Lan đang đối mặt với rủi ro dịch bệnh, đặc biệt là bệnh gan tụy, bệnh đốm trắng và bệnh tôm chết sớm, các báo cáo về các đợt bùng phát dịch bệnh đã được công bố để đảm bảo quy trình làm sạch bệnh diễn ra trên toàn hệ thống sản xuất nuôi trồng thủy sản.
Xem chi tiết Bản tin tại đây.
Khánh Trình-QLTM
Lượt truy cập