“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”: Chuyển từ ưu tiên sang chinh phục người tiêu dùng
Sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng Việt đã từng bước chiếm được cảm tình của người tiêu dùng tỉnh ta và cả nước. Để tiếp tục thuyết phục người dân tin tưởng, ưu tiên chọn hàng Việt, trong giai đoạn 2019 - 2024, tỉnh ta đề ra nhiều giải pháp với quyết tâm thực hiện mục tiêu chuyển từ việc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sang “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (sau đây gọi tắt là Cuộc vận động) được thực hiện gắn với Chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh. Thông qua nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động, đưa hàng Việt về nông thôn, xúc tiến thương mại…góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân cũng như của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong sản xuất, tiêu dùng.
Có thể thấy rõ, sau 10 năm thực hiện, Cuộc vận động đã khơi dậy được ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, thể hiện được lòng yêu nước của mỗi cán bộ, đảng viên, người dân về hàng hóa trong nước. Từ đó, các tổ chức, cá nhân quan tâm, tin tưởng hơn khi chọn mua các mặt hàng sản xuất trong nước trong mua sắm công, trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và trong tiêu dùng cá nhân.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế cũng ý thức và chủ động hơn trong nỗ lực cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện khả năng cạnh tranh, từng bước khẳng định vị thế của các loại hàng hóa, dịch vụ trên thị trường trong tỉnh và khu vực và đặc biệt trong lòng người tiêu dùng.
Kết quả thực hiện Cuộc vận động trong 10 năm qua đã khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội. Đây chính là tiền đề, động lực để tỉnh ta quyết tâm nâng cao hơn nữa chất lượng thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2019 – 2024 với mục tiêu là chuyển dần nhận thức từ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sang “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” và “Hàng Kon Tum chinh phục người Việt Nam”.
Theo đó, Ban chỉ đạo Cuộc vận động đề ra nhiều giải pháp, trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vận động các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân mà nòng cốt là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong hệ thống chính trị nâng cao hiểu biết, đánh giá đúng, khách quan về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, khả năng sản xuất, kinh doanh và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của doanh nghiệp Việt Nam. Từ đó, mỗi người, mỗi đơn vị tự nguyện, tực giác sử dụng các loại hàng hóa, sản phẩm dịch vụ có chất lượng do các doanh nghiệp, nhà sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong nước làm ra; xây dựng văn hóa tiêu dùng trong nhân dân gắn với các nội dung, tiêu chí của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Các cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị - xã hội thực hiện mua hàng Việt Nam khi có nhu cầu mua sắm bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách Nhà nước; các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh khi mua sắm vật tư, thiết bị để thực hiện các dự án, công trình ưu tiên sử dụng các trang thiết bị, nguyên vật liệu và dịch vụ trong nước bảo đảm chất lượng.
Đồng thời các cấp, các ngành của tỉnh và các địa phương cũng chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh các hoạt động quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ ở thị trường khu vực, trong và ngoài nước; tổ chức hội thảo, tọa đàm giữa nhà quản lý, nhà sản xuất kinh doanh, nhà phân phối và người tiêu dùng để tìm hướng đi và xác định giải pháp đúng đắn, phù hợp, thúc đẩy phát sản xuất, kinh doanh. Ngành Công thương và các ngành chức năng phối hợp với các địa phương, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tăng cường tổ chức các hội chợ, các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn và thực hiện hiệu quả chương trình đưa hàng Việt về nông thôn kết hợp với chương trình bán hàng bình ổn giá để tất cả người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với hàng Việt chính hãng. Qua đó, hàng Việt có điều kiện “chinh phục” người tiêu dùng nông thôn và người dân có cơ hội thể hiện sự ưu ái, tin tưởng dành cho hàng hóa trong nước.
Bên cạnh đó, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng là nhiệm vụ được Ban chỉ đạo Cuộc vận động tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng làm lành mạnh thị trường hàng hóa, bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính và nhất là quyền lợi của người tiêu dùng; giúp củng cố niềm tin của người dân vào hàng Việt và khích lệ doanh nghiệp trong nước tích cực đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ để tạo ra nhiều hàng hóa có chất lượng, hạ giá thành sản phẩm nhằm “chinh phục” người tiêu dùng.
Qua khảo sát của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động, có khoảng 75% người tiêu dùng được hỏi đánh giá cao chất lượng, độ tin cậy và chọn mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước; tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người tiêu dùng chưa tin tưởng và một số sản phẩm mang tính kỹ thuật - công nghệ cao có xuất xứ trong nước, giá thành những sản phẩm có thương hiệu còn cao so với mức thu nhập của người dân...
Việc đa dạng các giải pháp tuyên truyền, vận động cũng như hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh thời gian tới sẽ góp phần nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng hàng Việt. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” từ đó đi vào thực chất hơn, hiệu quả hơn.
Thiên Hương
Box: Trong các năm 2015-2019, toàn tỉnh có 167 dự án và 58 gói thầu mua sắm hàng hóa từ nguồn ngân sách đã thực hiện mua sắm hàng hóa, máy móc thiết bị và sử dụng các loại vật tư xây dựng sản xuất trong nước với tổng số vốn hơn 77 tỷ đồng.














Thời tiết
Lượt truy cập